Đa dạng sinh thái tại Vườn quốc gia Côn Đảo

Khái quát về Vườn Quốc Gia Côn Đảo

Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và là một trong 34 Vườn quốc gia của Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo vừa quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, vừa quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học biển. Đây vừa là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm và có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về hệ sinh vật biển và trên cạn cũng như vị trí địa lý của nó.

Trên cơ sở rừng cấm Côn Đảo, năm 1993 Thủ tướng Chính phủ thành lập Vườn quốc gia Côn Đảo với tổng diện tích khoảng 20.000ha, bao gồm 2 hợp phần: hợp phần bảo tồn rừng có diện tích gần 6.000 ha (bao gồm 14 hòn đảo) và hợp phần bảo tồn biển có diện tích 14.000 ha. Ngoài ra Vườn quốc gia Côn Đảo còn có 20.500 ha vùng đệm biển.

con-dao

VQG Côn Đảo được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá cao và công nhận các danh hiệu VQG Côn Đảo là một Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế vào năm 2013 (Khu Ramsar); Là thành viên mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương – Đông Nam Á năm 2019. Hiệp Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận 02 cây Nhội và 01 cây Cóc Đỏ tại VQG Côn Đảo là Cây Di sản Việt Nam năm 2018. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận VQG Côn Đảo là nơi nuôi, ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam năm 2009.

Đa dạng sinh học tại Vườn Quốc Gia Côn Đảo

Tài nguyên sinh vật rừng:

Hệ sinh thái rừng của Côn Đảo thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo với hai kiểu rừng chính là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với các hệ sinh thái rừng trên núi thấp, rừng trên đồi cát khô hạn ven biển, rừng tràm ngập phèn.

Về thành phần động vật rừng

Tại Vườn quốc gia Côn Đảo có khoảng 160 loài, trong số này có 35 loài quý hiếm. Nhóm động vật đặc hữu của Côn Đảo có 04 loài gồm Khỉ đuôi dài Côn Đảo, Sóc đen Côn Đảo, Thạch sùng Côn Đảo, Rắn Khiếm Côn Đảo.

Về thành phần thực vật

Qua kết quả điều tra thành phần thực vật rừng ở Vườn quốc gia Côn Đảo có hơn 1.000 loài. Trong đó có 18 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ và 11 loài đặc hữu. Tại Vườn quốc gia Côn Đảo có các loài thực vật đại diện cho nhiều vùng trong cả nước như Lát hoa, Nhội (Bắc bộ), Sao, Dầu (Đông Nam bộ), Đước, Vẹt (Tây Nam bộ)…

Tài nguyên sinh vật biển

Biển Côn Đảo có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới gồm hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô. Tại đây đã ghi nhận khoảng 1.700 loài sinh vật biển.

Hệ sinh thái san hô

Hệ sinh thái san hô phát triển rất mạnh ở vùng biển bao quanh Vườn Quốc gia Côn Đảo, diện tích phân bố khoảng 1.700 ha với 360 loài. Có thể nói thành phần loài sống trong rạn san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại
nhất, nhì của Việt Nam.

Hệ sinh thái rừng ngặp mặn

với diện tích khoảng 32 ha, số loài thực vật ngập mặn ở Côn Đảo đã được xác định là 46 loài. Tuy diện tích nhỏ nhưng rừng ngập mặn ở Côn Đảo là rừng ngập mặn nguyên sinh chưa bị tác động của con người. Rừng ngập
mặn ở Côn Đảo khác với rừng ngập mặn khác ở đất liền là chúng hình thành trên nền cát pha lẫn san hô chết.

Hệ sinh thái cỏ biển

Qua khảo sát nghiên cứu vùng biển Côn Đảo có khoảng 1.000 ha với 11 loài cỏ biển chiếm 84,6 % tổng số loài hiện nay đã biết ở Việt Nam (13 loài). Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái cỏ biển có vài trò quan trọng là duy trì nguồn thức ăn chính của loài Bò biển (Dugong dugon) một loài thú quý hiếm.

Sự phong phú và đa dạng của tài nguyên Vườn quốc gia Côn Đảo đã tạo nên các sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo như: Du lịch xem rùa biển đẻ trứng, thả rùa con về biển; du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, thư giản; Du lịch câu cá giải trí; leo núi, đi bộ, đi xe đạp; Du lịch bơi, lặn có bình dưỡng khí xem san hô; Du lịch khám phá rừng nguyên sinh.

Bài viết liên quan